VNPT: Khó khăn, vẫn giữ được đà tăng trưởng từ 15-22%

ức tăng trưởng trên cho thấy VNPT đã có những định hướng chiến lược phù hợp với tiềm lực và bắt kịp với xu thế phát triển của thị trường... Mức độ cạnh tranh khốc liệt trên thị trường viễn thông công nghệ thông tin nửa đầu năm 2018 chưa có dấu hiệu hạ nh

Mức độ cạnh tranh khốc liệt trên thị trường viễn thông công nghệ thông tin nửa đầu năm 2018 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này. Trước những biến động của thị trường, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vẫn giữ được mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm ngoái với tỷ lệ tăng trưởng luôn đạt từ 15-24%.

Mức tăng trưởng trên cho thấy VNPT đã có những định hướng chiến lược phù hợp với tiềm lực và bắt kịp với xu thế phát triển của thị trường.

Thành quả bước đầu của năm 2018

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT, cho biết 6 tháng đầu năm nay, mặc dù các dịch vụ truyền thống như điện thoại cố định, điện thoại quốc tế có chiều hướng suy giảm, cùng với đó, doanh thu bán thẻ giảm mạnh do việc tạm dừng thanh toán bằng thẻ cào đối với các dịch vụ nội dung số… là những nguyên nhân góp phần tạo ra không ít khó khăn cho VNPT.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, VNPT vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt với lợi nhuận tăng trưởng 15% so với cùng kỳ, đạt 51,6% kế hoạch. Riêng dịch vụ băng rộng cố định có tăng trưởng, trong đó Internet cáp quang (FTTH) tăng trưởng tốt, FiberVNN tăng 29% so với cùng kỳ về doanh thu và mảng dịch vụ số tăng trưởng lên tới 47%.

Năm 2017, dịch vụ Internet cáp quang của VNPT đã có sự bứt phá với thị phần chiếm gần 50% và đến hết tháng 5/2018, VNPT vẫn là cái tên dẫn đầu thị trường FTTH với xấp xỉ 5 triệu thuê bao và chiếm gần 50% thị phần. Bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường bảo mật thông tin, áp dụng các chính sách giá hợp lý tới khách hàng là những yếu tố làm nên thành công cho VNPT ở mảng dịch vụ này.

VNPT đã tập trung xây dựng chiến lược VNPT3.0 chuyển dịch từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống (Telco) sang nhà cung cấp dịch vụ truyền thông kỷ nguyên số (DSP) nhằm chuyển đổi sang kinh doanh các dịch vụ số, các dịch vụ giá trị gia tăng, công nghệ thông tin, truyền thông và công nghiệp công nghệ thông tin. Trên nền tảng đó, dịch vụ 4G và băng rộng cố định chính là nhân tố thúc đẩy VNPT phát triển kinh tế số trong thời gian tới.

Hiện VNPT triển khai các dịch vụ công nghệ thông tin hay còn gọi là dịch vụ số dành cho doanh nghiệp ở 3 mảng chính là chăm sóc sức khỏe, giáo dục và chính phủ điện tử.

Với cam kết đem tất cả khả năng của mình cùng với Chính phủ đưa công nghệ thông tin vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đang trên đà phát triển mạnh kéo theo nhiều công nghệ hiện đại ra đời như Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây (Cloud), công nghệ chuỗi khối (Blockchain)...

"Đón" các xu hướng công nghệ trên, tập đoàn này đã quyết định thành lập Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT-IT). Công ty VNPT-IT ra đời được xem là xu thế tất yếu khi Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập và toàn cầu hóa mạnh mẽ nhất, trong đó viễn thông và công nghệ thông tin là những lĩnh vực có nhiều thay đổi đáng kể trong thời gian vừa qua. Với nhiệm vụ tập trung phát triển các sản phầm phần mềm ứng dụng Chính phủ điện tử, đô thị thông minh, y tế, giáo dục, môi trường, du lịch…, VNPT-IT đang hướng tới những lĩnh vực "nóng" của đời sống xã hội và quản lý Nhà nước.

Tiếp tục khẳng định uy tín

Với cơ sở hạ tầng hiện đại, rộng khắp, cùng kinh nghiệm triển khai các sản phẩm dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin trong hơn 70 năm qua và đội ngũ cán bộ công nhân viên được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, Tập đoàn VNPT luôn được "chọn mặt gửi vàng" là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cho các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước như sự kiện Hội nghị thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ 6 (GMS6) và Hội nghị cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 (CLV10) hay Hội nghị nhóm thông tin vô tuyến của APT lần thứ 23 (AWG).

Trước đó vào tháng 11/2017, VNPT cũng được giao trọng trách đảm bảo thông tin liên lạc trong suốt tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng và đã hoàn thành suất sắc, được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao, các hãng thông tấn Báo chí trong và ngoài nước ghi nhận.

Năm 2018, sản phẩm công nghệ thông tin của VNPT đạt 2 giải Vàng, 2 giải Bạc và 1 giải Đồng của Giải thưởng Stevie Awards, cùng với đó là 1 danh hiệu trong Top 10 Sao Khuê 2018 và 2 danh hiệu Sao Khuê 2018. Không chỉ phát triển đa dạng về số lượng, các sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin của VNPT đã được các tổ chức uy tín của Việt Nam cũng như của thế giới đánh giá cao về chất lượng, sáng tạo và ưu việt với người dùng.

Với sứ mệnh kết nối mọi người, VNPT không chỉ tạo ra những cầu nối với khách hàng mà còn chú trọng gắn kết nguồn nhân lực trong chính nội bộ của mình. Tập đoàn VNPT lọt vào Top 3 thương hiệu nhà tuyển dụng viễn thông và công nghệ thông tin tốt nhất Việt Nam dựa trên kết quả khảo sát "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam " do Công ty chuyên về lĩnh vực nhân sự Anphabe và Công ty nghiên cứu thị trường Inatage Việt Nam thực hiện.

Bên cạnh việc duy trì tốt các hoạt động sản xuất kinh doanh mảng dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin trong 6 tiếp theo, VNPT còn phải thực hiện một nhiệm vụ lớn khác mà Chính phủ giao cho đó là chuẩn bị tốt các khâu cho công tác cổ phần hóa Tập đoàn và tiếp tục công tác thoái vốn tại một số doanh nghiệp ngoài ngành.

Trước đó, trong 6 tháng đầu năm, VNPT đã tiến hành thoái vốn nhiều công ty, trong đó thành công nhất là việc thoái vốn Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF) với số vốn 500 tỷ đồng, thoái vốn được 710 tỷ, như vậy tăng 42% so với giá trị công ty.

Một nhiệm vụ trọng tâm khác nữa mà Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra trong năm 2018 là thực hiện việc chuyển đổi mã mạng di động và việc chuyển đổi này sẽ diễn ra từ ngày 15/9/2018 đến hết ngày 30/6/2019.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ, Tập đoàn VNPT đã có những bước chuẩn bị khá kỹ cho kế hoạch chuyển đổi này từ hạ tầng kỹ thuật cho đến công tác truyền thông tới khách hàng với phương châm nhanh gọn, hiệu quả và không làm ảnh hưởng đến khách hàng.

Đại diện VNPT cho biết, tập đoàn đặt mục tiêu tiếp tục trở thành nhà mạng đem lại nhiều trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng như tiên phong trong việc triển khai công nghệ mới, dịch vụ mới, đồng thời là nhà cũng cấp chất lượng mạng, dịch vụ tốt nhất và nhà cung cấp có chất lượng phục vụ tốt nhất. Bên cạnh đó, VNPT tiếp tục phát triển và thúc đẩy các danh mục dịch vụ mới về công nghệ thông tin, truyền thông và dịch vụ số tiềm năng: Điện toán đám mây, Dữ liệu lớn (BigData), Smart-Cities, M2M/IoT, Trí tuệ nhân tạo (AI), dịch vụ số.

VNPT phấn đấu đến hết năm 2018, lợi nhuận đạt mức tăng trưởng 15% so với thực hiện năm 2017, doanh thu đạt mức tăng trưởng từ 6-8% so với thực hiện năm 2017, hoàn thành và vượt chỉ tiêu nộp ngân sách nhà nước năm 2018, và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tăng 10% so với thực hiện 2017.

(VnEconomy)